Cảnh Báo Tình Trạng Dậy Thì Sớm Ở Trẻ Em

0

Bệnh viện Nhi đồng 2  tp.HCM đang điều trị 500 trường hợp trẻ em gặp tình trạng dậy thì sớm. Bệnh viện cho biết, so với mọi năm bệnh viện chỉ tiếp nhận khoảng 5 case bệnh mới mỗi tháng nhưng trong năm 2019, bệnh viện tiếp nhận trung bình 10 case bệnh mới một tháng. Điều này, làm tăng đột biến số lượng bệnh nhân cộng dồn hàng năm, gây khó khăn cho công tác điều trị…

Theo Bs Chuyên Khoa 2. Hoàng Ngọc Quý – Trưởng khoa Thận – Nội tiết, BV Nhi Đồng 2,  dậy thì sớm là tình trạng phát triển các đặc tính sinh dục sớm hơn bình thường (ở bé gái là trước 8 tuổi, có kinh trước 9 tuổi; ở bé trai là trước 9 tuổi). Trẻ được xem là dậy thì sớm nếu xuất hiện đặc tính sinh dục thứ phát (vú, huyết trắng, kinh nguyệt, lông mu, lông nách, tinh hoàn, dương vật…trước 8 tuổi ở bé gái và trước 9 tuổi ở bé trai. Từ lúc xuất hiện triệu chứng dậy thì cho đến lúc các đặc tính sinh dục thứ phát hiện diện đầy đủ, ở nữ là 10,5 – 11 tuổi, ở nam là 11,5 – 12 tuổi.

Dậy thì sớm- nỗi lo cho trẻ em

Bác sĩ Quý cho biết Dậy thì sớm được chia thành 3 nhóm:

  •  Nhóm 1 là dậy thì sớm trung ương – đây là nhóm thường gặp nhất. Nguyên nhân dậy thì sớm của nhóm này đa số lại là vô căn (nhất là bé gái), tức là không có nguyên nhân thực thể gây ra dậy thì sớm. Nhóm này được điều trị bằng thuốc Triptoreline để ngăn sự phát triển nhanh các cơ quan sinh dục thứ phát.
  • Nhóm thứ 2, là nhóm dậy thì sớm ngoại vi, dạng này ít phổ biến hơn so với dậy thì sớm trung ương. Thường liên quan đến bướu buồng trứng, tinh hoàn, thượng thận… Nhóm nay không dùng Triptoreline để điều trị.
  • Nhóm 3 là dậy thì sớm không hoàn toàn, phát triển sớm, đơn độc, một đặc tính sinh dục thứ phát (ví dụ tăng sinh tuyến vú đơn độc).

Theo BS. Quý, không phải tất cả các trường hợp dậy thì sớm trung ương đều cần điều trị, chỉ có chỉ định điều trị với thuốc Triptoreline khi dậy thì tiến triển nhanh và/hoặc rối loạn tâm lý xã hội đáng kể. Quyết định điều trị còn tuỳ thuộc vào tuổi, tốc độ tiến triển dậy thì, tốc độ phát triển chiều cao và ước lượng chiều cao cuối cùng.

Hiện tại, chưa xác định được nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ, song một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gây ra biến đổi này, đó là:

  • Trẻ mắc bệnh u não, u nang buồng trứng, u tinh hoàn, các bệnh tuyến giáp.
  • Dậy thì sớm phổ biến ở bé gái hơn bé trai.
  • Lượng estrogen đưa vào cơ thể trẻ quá nhiều qua thực phẩm, đồ nhựa,…
  • Nguyên nhân huyết thống.
  • Do thuốc

Tăng sinh tuyến vú

Phát hiện dậy thì sớm ở trẻ là một việc hết sức quan trọng giúp tiến trình điều trị trở nên nhanh chóng hơn. Các bậc phụ huynh có thể phát hiện sớm thông qua các dấu hiệu ở trẻ. Dậy thì sớm ở bé gái có biểu hiện đặc trưng là ngực phát triển, mọc lông mu hoặc lông nách, thay đổi hình dáng cơ quan sinh dục ngoài, bắt đầu có kinh nguyệt. Dậy thì sớm ở bé trai có các dấu hiệu như tinh hoàn hoặc dương vật to lên, xuất hiện lông mu hoặc lông nách, nổi mụn trứng cá, giọng trầm đi. Chiều cao, cân nặng tăng nhanh là biểu hiện dậy thì sớm ở trẻ được ghi nhận ở cả hai giới.

Các bậc phụ huynh cần quan tâm tới con mình, phát hiện sớm và đưa con mình tới cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể.

(Visited 35 times, 1 visits today)

TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA BẠN ĐỌC

(Hãy đặt câu hỏi tại đây, đội ngũ y bác sĩ sẽ giải đáp giúp bạn)

Share.