Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra 4 đơn vị y tế dự phòng tuyến TW

0

Ngày 8/2, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến có buổi kiểm tra thực tế và làm việc với một số đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng, gồm: Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Dinh dưỡng và Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường. Theo nhận định của Bộ Y tế, mô hình y tế dự phòng tuyến Trung ương vẫn nhiều đầu mối và đổi mới chậm hơn so với mô hình y tế dự phòng tuyến tỉnh và huyện.

Trước khi vào làm việc trong buổi chiều ngày 8/2, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã dành cả buổi sáng ngày 8/2 để đi kiểm tra thực tế tại 4 viện trên. Tại các viện này, Bộ trưởng đã trực tiếp đến tận các khoa, phòng nghiên cứu, xét nghiệm, vi sinh… để nắm thông tin từ thực tiễn.

Đến các viện, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao và ghi nhận các mặt tích cực của các viện, đặc biệt là việc đổi mới toàn diện của các đơn vị y tế từ cơ sở hạ tầng xanh – sạch – đẹp đến thái độ phục vụ cũng như chất lượng chuyên môn. Bộ trưởng mong muốn, các đơn vị tiếp tục phát huy những thế mạnh đã đạt được; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền và có những giải pháp mang tính đột phá để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của hệ thống y tế dự phòng. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã trực tiếp thăm hỏi sức khỏe của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; đồng thời Bộ trưởng đã có những chỉ đạo trực tiếp lãnh đạo một số viện về việc cần cải tạo, bố trí lại một số khoa, phòng chưa hợp lý. Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, lãnh đạo các viện hứa sẽ khắc phục những khó khăn, hạn chế của đơn vị mình trong thời gian tới.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra tại Viện Dinh dưỡng

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra tại Viện Dinh dưỡng

Chiều cùng ngày, tại Bộ Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo của 4 viện trên. Tại đây, những khó khăn cũng như những đề xuất, kiến nghị của các viện về đổi mới tài chính; về nhân lực cũng như về đào tạo cán bộ cho hệ thống y tế dự phòng đã được Bộ trưởng chỉ đạo quyết liệt để tháo gỡ. “Hiện hệ thống y tế dự phòng cần tập trung thực hiện 4 chức năng sau: Nghiên cứu, y tế công cộng, các loại dịch vụ và các hoạt động khác”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hiện nay, trong khi nhiều đơn vị y tế dự phòng tuyến tỉnh và tuyến huyện đã và đang sáp nhập để trở thành mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) theo xu hướng của thế giới, thì ở cấp Trung ương, các đơn vị thuộc hệ y tế dự phòng của Bộ Y tế vẫn dàn trải với bộ máy cồng kềnh. Một số đơn vị như Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TW là mô hình đã quá cũ, hầu hết các nước trên thế giới đã sáp nhập vào Trung tâm Kiểm soát bệnh tật nói chung. Trong khi đó, Viện Nghiên cứu ung thư cần phát triển và mở rộng thì lại quá nhỏ, đặt tại Bệnh viện K Trung ương.

Điều đáng nói là hiện nay, nhiều đơn vị y tế dự phòng chủ yếu hoạt động bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn thu từ các dịch vụ khám chữa bệnh, tiêm vắc-xin… Tại nhiều viện, nhiệm vụ chính là nghiên cứu khoa học lại không phát huy được và nhiều năm qua, không tìm được nguồn kinh phí cho các công trình nghiên cứu.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, thời gian tới sẽ tập trung kiện toàn lại mô hình hoạt động của y tế dự phòng tuyến Trung ương giống như việc đổi mới mô hình hoạt động của y tế dự phòng tuyến tỉnh và tuyến huyện đang diễn ra hiện nay.

Theo Bộ trưởng, vừa qua, thực hiện đổi mới và kiện toàn bộ máy của y tế tuyến huyện, đã giảm bớt đầu mối và hình thành trung tâm y tế với 2 chức năng vừa đảm bảo công tác khám chữa bệnh, vừa thực hiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu và quản lý các bệnh không lây nhiễm.

“Tại một số tỉnh cũng đã sáp nhập một số trung tâm thuộc hệ y tế dự phòng (không có giường bệnh) thành những Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Những đổi mới này đã thực hiện đúng chủ trương của Nhà nước là giảm bớt đầu mối, tinh giản biên chế và nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước” – Bộ trưởng nói.

 

Báo cáo của các viện, trong đó có Viện Sốt rét – Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương cho thấy, các nghiên cứu gần đây của viện ghi nhận do tập quán ăn uống, sinh hoạt của người dân không hợp vệ sinh nên tỷ lệ nhiễm ký sinh trùng rất cao trong cộng đồng. Bệnh chủ yếu là giun truyền qua đất, bệnh sán truyền qua thức ăn (sán lá gan, sán phổi, ấu trùng sán lợn…). Riêng bệnh sán lá gan nhỏ (gây tổn thương gan, xơ gan…) được phát hiện tại 32 tỉnh thành, trong đó chiếm tỷ lệ cao ở một số địa phương như: Nam Định (chiếm 34,8%), Hòa Bình (32,7%), Hà Nội (27,7%), Thanh Hóa (17,7%), Ninh Bình (25%). Đáng lưu ý, nhiều loại côn trùng kiến ba khoang, bọ xít hút máu, bọ đậu đen… thay đổi tập tính trú đậu cũng là tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Các bệnh ký sinh trùng là một trong những gánh nặng đối với sức khỏe cộng đồng nhưng hiện chưa được quan tâm đầu tư kinh phí nghiên cứu phòng chống đúng mức. Tương tự, báo cáo của Viện Dinh dưỡng cũng chỉ ra vấn đề về thừa dinh dưỡng hay dinh dưỡng không hợp lý gây ra các bệnh như: béo phì, tim mạch, đái tháo đường, ung thư… đang gia tăng nhanh chóng và chiếm tới 73% gánh nặng bệnh tật và tử vong.

 

Bài và ảnh: Thái Bình

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/bo-truong-bo-y-te-nguyen-thi-kim-tien-kiem-tra-4-don-vi-y-te-du-phong-kien-toan-lai-mo-hinh-y-te-du-phong-tuyen-tw-n127899.html

(Visited 7 times, 1 visits today)

TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA BẠN ĐỌC

(Hãy đặt câu hỏi tại đây, đội ngũ y bác sĩ sẽ giải đáp giúp bạn)

Share.