Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn

0

Chất vấn Quốc hội: Chấn chỉnh y tế tư nhân, có yếu tố nước ngoài

SKĐS – 14h chiều nay, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Báo Sức khỏe&Đời sống tường thuật trực tiếp phiên chất vấn và trả lời chất vấn này.

Video Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời phiên chất vấn buổi chiều ngày 14/6/2017 ( phần 1)

 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: chinhphu.vn

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: chinhphu.vn

 

Y tế cơ sở là ưu tiên của ngành y tế trong nhiệm kỳ này

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, tôi xin chia theo nhóm để trả lời các câu hỏi của đại biểu, bao gồm y tế cơ sở,  nguồn nhân lực, khám chữa bệnh và BHYT.

Y tế cơ sở, tôi xin  trả lời ĐB Nguyễn Sỹ Cương, ĐB Hồ Thị Kim Ngân, ĐB Lê Quân… Y tế cơ sở là phần Bộ Y tế sẽ tập trung vào nhiệm kỳ này. Ngành y tế có rất nhiều việc cần phải làm trong điều kiện xuất phát điểm thấp, GDP đầu tư cho y tế còn khiêm tốn so với nhu cầu, cộng thêm nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ngành y tế cũng ưu tiên những vấn đề cấp bách như  vấn đề y tế cơ sở, nhân lực y tế chuyên sâu, có những vấn đề cần dài hơi hơn. Tôi xin nhấn mạnh đến giải pháp. Về tổ chức, chúng tôi đã ra nhiều thông tư, quyết định để đầu tư tránh lãng phí, như những trạm y tế không đẻ nữa thì không đầu tư phòng đẻ, có những nơi y học cổ truyền phát triển thì không đầu tư xây dựng các vườn thuốc nam. Trạm y tế xã thuộc Trung tâm y tế huyện, cũng như tuyến tỉnh hiện chúng tôi cũng đang thu gọn đầu mối. Bộ trưởng và 5 Thứ trưởng đã rà soát lại bộ máy tổ chức, tinh gọn bộ máy, giảm biên chế. Nếu tuyến tỉnh mà các trung tâm không có giuờng bệnh mà tập trung lại tinh gọn, có những tỉnh 9 trung tâm nhập lại chỉ còn 2 trung tâm hoặc có những tỉnh từ 13  thành 2 trung tâm. 63 tỉnh thành nhiều đầu mối được giảm, cán bộ lãnh đạo sẽ tinh giản khoảng 1000 người.  Chúng tôi đã có TT37 huyện chỉ có trung tâm y tế huyện 2 chức năng, dưới có trạm y tế xã, cán bộ làm việc tuyến xã như viên chức, như vậy có thể luân phiên điều động từ xã lên huyện. Phòng y tế của địa phương. Hiện nay có đề xuất Bộ Nội vụ, phòng y tế ở các thành phố lớn vẫn có với đầy đủ chức năng, còn ở các tỉnh quy mô dân số thấp thì có thể 1 người phụ trách lo về y tế gắn với UBND huyện.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấnĐại biểu Lê Quân

Đầu tư cơ sở hạ tầng, 11 trung tâm tuyến tỉnh, 9 trung tâm tuyến tỉnh tập trung vào 1 trung tâm sẽ rất đỡ về đầu tư cơ sở hạ tầng. Một sô tỉnh đã có đề án và làm tốt như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có đề án. Nếu tỉnh làm tốt sẽ tiết kiệm nhiều, giảm được nhân viên hành chính, tuy nhiên hiện nay châm vì các đồng chí khó sắp xếp cán bộ. Như tại tuyến tỉnh đang có 8-9 đồng chí giám đốc tuyến tỉnh giờ chỉ còn 1. Về vấn đề nhân lực vừa yếu và thiếu ở tuyến dưới, có tình trạng bác sĩ giỏi làm ở bệnh viện lớn, bệnh viện tư để có lương cao, tuyến dưới chuyển lên tuyến trên, điều này xảy ra cả ở các nước trên thế giới. Ngành y tế đã có nhiều giải pháp, chúng tôi có đào tạo cử tuyển, để bác sĩ về vùng sâu vùng xa từ 10 năm nay hoặc đào tạo theo địa chỉ, thứ 3 chúng tôi có đề án thí điểm đào tạo bác sĩ trẻ rồi đào tạo thêm 3 năm nữa rồi đưa về các huyện vùng sâu vùng xa. Chúng tôi sẽ đào tạo tiếp theo yêu cầu của các tỉnh. Bác sĩ sẽ phải công tác ở các huyện miền núi trong 3 năm với nam và 2 năm với nữ. Bác sĩ sẽ có nhiều quyền lợi như lương tăng, được vào biên chế, được học bác sĩ chuyên khoa 1, hoặc chuyên khoa 2. Đối với đề án bệnh viện vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên xuống tuyến dưới và đề án 1816. Hiện chúng tôi đã triển khai ở 100% tỉnh, bệnh viện tuyến cuối của TW chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tỉnh, trong những năm qua nhiều bệnh viện tỉnh đã làm cả can thiệp tim mạch, chấn thương sọ não, thậm chí cả ung thư… mà trước đây phải chuyển lên tuyến trên. Bệnh viện TW chuyển giao cho bệnh viện tỉnh, bệnh viện tỉnh chuyển giao cho bệnh viện huyện, bệnh viện huyện chuyển giao cho trạm y tế xã. Trong 1 thời gian ngắn kỹ thuật y tế lên rất cao được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Trong thời gian tới chúng tôi có chương trình ODA  đào tạo theo mô hình hội nhập quốc tế. Hiện vẫn còn nhiều bất cập như điểm đầu vào trường y rất cao, học rất lâu, nhưng lương bác sĩ  hiện thấp, mà đây lại là ngành có nguy cơ cao, không có phụ cấp thâm niên, không bằng giáo dục. Đề án đào tạo hàn lâm,  tăng cường đào tạo CKI, CKII cho tuyến tỉnh, huyện, tuyến xã. Mô hình bác sĩ gia đình đào tạo cho tuyến xã, có thể đào tạo chính quy theo hệ cử tuyển, hoặc hệ liên thông.  Tăng cường y tế thôn bản, đào tạo cho cô đỡ thôn bản đến tận nhà để đỡ đẻ, đây là mô hình được quốc tế đánh giá sáng tạo. Chính sách cho cán bộ y tế, Bộ Y tế đã ban hành nhiều thông tư, phụ cấp nghề nghiệp, cho cán bộ trạm y tế có phụ cấp y tế, hiện thu nhập của cán bộ y tế đã có nhiều cải thiện nhất là cán bộ y tế ở tuyến xã, huyện giúp tăng thu nhập cho cán bộ ở tuyến dưới. Với mô hình bác sĩ gia đình bao gồm cả các phòng mạch tư.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấnBà Nguyễn Thị Minh, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Về chăm sóc người cao tuổi, người dưỡng lão, thực hiện Nghị quyết TW chúng tôi đã chuyển từ KHHGĐ sang chất lượng dân số. Về mạng lưới bệnh viện lão khoa chúng ta có một bệnh viện lão khoa TW, sắp tới sẽ có bệnh viện nội tiết và lão khoa ở phía nam, quy định  các bệnh viện tỉnh phải có khoa lão khoa … sắp tới đề án xây dựng bệnh viện lão khoa TW cơ sở 2 ở Hà Nam với quy mô 1000 giường trên diện tích 37ha.  Chúng ta sẽ đầu tư từng bước.

Khắc phục tình trạng lạm dụng xét nghiệm

Vấn đề chất lượng khám chữa bệnh, các đại biểu có đề cập đến vấn đề lạm dụng xét nghiệm, chúng tôi đã có thông tư, từ tháng 8 năm nay sẽ công nhận kết quả xét nghiệm lẫn nhau, ngoài ra còn có quy trình khám bệnh, xử phạt hành chính, thanh kiểm tra. Việc chi trả, có những danh mục thuốc không nằm trong bảo hiểm không được thanh toán, hiện chúng ta có gói quyền lợi cơ bản trong cái được chi trả. Mức đóng bảo hiểm của chúng ta là 4,5% lương  nhưng hưởng rất cao thể hiện tính ưu việt, nhiều bệnh nhân ung thư nghèo cho biết họ đều được chi trả hết. Mặt khác bệnh viện có phòng công tác xã hội để huy động các nhà từ thiện hỗ trợ. Có những thuốc đặc trị ngoài danh mục đúng là bảo hiểm không thanh toán hết được.

Ngoài ra còn một số vấn đề liên quan đến BHYT, BHXH sẽ trả lời.

Các đại biểu tiếp tục tranh luận và chất vấn:

Tổng Giám đốc BHXH VN Nguyễn Thị Minh: Xung quanh vấn đề sử dụng quỹ BHYT Bộ trưởng đã trả lời. Tôi xin bổ sung một số nội dung: Luật BHYT thông qua có hiệu lực năm 2015 là bước tiến rất dài về an sinh xã hội, thể hiện ưu việt của chế độ chúng ta; quyền lợi được hưởng so với mức đóng thì quyền được hưởng rất cao. Khi ban hành nhiều đối tượng được ưu tiên như người nghèo, học sinh sinh viên được tiếp cận dịch vụ y tế

Việc quản lý sử dụng Quỹ BHYT trong thời gian vừa qua tốt, chúng ta đã làm được khối lượng công việc rất là lớn, mỗi năm khám chữa bệnh cho 150 triệu lượt người; hiện nay độ bao phủ là 77 triệu người chiếm khoảng 83% dân số, nếu theo tinh thần Nghị quyết 21 thì sau 2020 chúng ta mới đạt 80% nhưng Chính phủ chỉ đạo sát sao bằng nhiều giải pháp tích cực như nâng giá dịch vụ y tế, giao chỉ tiêu phát triển KT-XH cho các địa phương, chỉ đạo thanh tra kiểm tra để sử dụng quỹ này hiệu quả cho nên đã bao phủ được 83%.

Quỹ BHYT như Bộ trưởng nói, bình quân mức thu chưa đến 30 đô nhưng tổng quỹ hiện nay chúng ta huy động 1 năm được trên 70.000 tỉ, có thể nói một khối lượng công việc khổng lồ và ngành y tế đã đáp ứng được, chất lượng KCB nâng lên rất nhiều, tinh thần thái độ tốt hơn nhiều nhưng đối tượng phục vụ quá lớn 150 triệu lượt người và rải rác ở 14.000 cơ sở KCB cho nên tình trạng lạm dụng, trục lợi BHYT giai đoạn gần đây diễn ra tương đối phổ biến.

Chất vấn Quốc hội: Chấn chỉnh y tế tư nhân, có yếu tố nước ngoài

Khi chúng ta nâng giá dịch vụ y tế, thay đổi cơ chế không cấp phát trực tiếp cho các cơ sở y tế nữa mà dành tiền đó mua BHYT và các BV thực hiện KCB thông qua BHYT thì các BV phải tự chủ,làm tốt thu hút bệnh nhân nhưng một số nơi chưa làm tốt đã có những cách như kéo dài thời gian nằm viện của BN… Khi Chính phủ yêu cầu trang bị hệ thống thông tin giám định BHYT thì những biểu hiện của lạm dụng trục lợi cũng thể hiện trên các hệ thống này. Ví dụ, mổ phaco các chuyên gia y tế nói chỉ 2 ngày nhưng có BV lên đến 7,1 hoặc 7,5 ngày; BV tuyến huyện công suất không sử dụng hết 100% công suất nhưng có tỉnh báo lên thanh toán 200-300% công suất…

Báo cáo Quốc hội, tổng Quỹ BHYT được phép sử dụng trong năm 2017 là 73.000 tỉ, theo dự báo, số chi năm nay sẽ chi 80.000 tỉ, tính yếu tố do khách quan khoảng 30%, còn lại 10% sẽ là yếu tố không bình thường tương đương 7.000 tỉ. Nếu chúng ta làm tốt vấn đề này thì Quỹ BHYT sẽ cân đối trong năm mà không phải bội chi. Chính vì vậy, thời gian gần đây Chính phủ chỉ đạo quyết liệt kiểm tra giám sát, giám định để Quỹ này sử dụng hiệu quả…

Tăng cường phát triển dược liệu thuốc đông y; Chấn chỉnh y tế tư nhân, có yếu tố nước ngoài

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Về YHCT, hiện nay Bộ Y tế tổ chức nhiều hội thảo quản lý nguyên liệu, thuốc YHCT và có quyết định, tất cả thuốc nhập chính ngạch đều phải kiểm nghiệm thuốc trước khi đi vào các khoa KCB YHCT đã tăng chất lượng KCB rất nhiều. Thứ 2, chúng tôi cũng phối hợp chặt chẽ với ủy ban 389 trung ương và địa phương xử lý buôn lậu qua biên giới. Thứ 3, tập huấn, thanh tra giám sát, xử lý nhiều trường hợp dùng thuốc không đảm bảo chất lượng. Thứ 4, những thuốc Đông y cũng thực hiện đấu thầu theo nhóm thuốc tân dược, Bảo hiểm cũng thanh toán theo danh mục quản lý chặt chẽ, đấu thầu thuốc đảm bảo không loạn giá.

ĐB nói tăng nuôi trồng và sản xuất dược liệu, điều này rất tốt. Vì quan tâm dược liệu và phát triển YHCT, Chính phủ, các Bộ ngành đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển dược liệu trong nước để có chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng, sản xuất và tiêu thụ. Trong thực hiện Nghị định 63 của Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành thông tư gồm các danh mục thuốc sản xuất trong nước và thuốc YHCT để đấu thầu tập trung.

Vấn đề ưu tiên người Việt dùng thuốc Việt của ĐB Quốc Hưng, Bộ Y tế có đề án Người Việt ưu tiên dùng thuốc Việt và bình bầu Những ngôi sao thuốc Việt; nhiều doanh nghiệp dược trong nước được bình bầu là ngôi sao thuốc Việt và ưu tiên trong danh sách đầu thầu mua sắm tập trung để đưa thuốc dược liệu của Đông y vào. Sắp tới theo chỉ đạo Chính phủ chúng tôi sẽ tăng cường phát triển dược liệu thuốc đông y. Ngoài ra, ĐB có gợi ý về phát triển công nghiệp dược thì điều này đã được quy định trong Luật dược và đang nỗ lực kết hợp Bộ Y tế – Bộ NNPTNT – Bộ Công thương.

Vấn đề y tế tư nhân, có yếu tố nước ngoài, ĐB có ý kiến về hạn chể rất đúng. Thực hiện chỉ đạo Chính phủ, chúng tôi đã đi kiểm tra, những sai phạm như ĐB nói là đúng, sổ sách không có, chọn chữa những bệnh khó nói, không có bệnh án giấy tờ, dùng thủ thuật kỹ thuật không đảm bảo an toàn cho người bệnh, dễ gây tai biến, trong khi chủ đầu tư muốn lợi nhuận, lợi dụng bác sĩ chưa có chứng chỉ hành nghề của các nước xung quanh, giá dịch vụ rất cao… Giải pháp của chúng tôi là tăng cường kiểm tra và rút giấy phép ngừng hoạt động, rút chứng chỉ hành nghề, tăng cường quản lý chứng chỉ hành nghề… Kết hợp với Bộ VHTTDL về quảng cáo, vì những phòng mạch quảng cáo rất nhiều, người dân tin quảng cáo và đến các phòng khám đó… Ngoài ra, chúng tôi cũng thực hiện tốt phân hạng phòng khám tư nhân, chấm điểm phòng khám tư nhân như BV công lập, công khai trên thông tin đại chúng để người dân rõ.

ĐB Tuấn, Long An có lo ngại xung quanh việc có giải pháp tốt nhưng nếu không có giải pháp chiến lược thì ‘đầu voi đuôi chuột’, chúng tôi đã làm liên tục, thanh kiểm tra chấm điểm, gắn với chất lượng BV, trong tương lai sẽ xây dựng tiêu chí chất lượng BV theo phân hạng quốc tế, tiến tới nhờ các tổ chức quốc tế đánh giá độc lập, giá dịch vụ y tế tiến tới áp vào chấm điểm, chất lượng BV sẽ thay đổi nhiều. Do cơ chế tự chủ và cạnh tranh lành mạnh giữa các BV công và tư, thái độ nhân viên y tế đã thay đổi hẳn, ngày một tiến bộ hơn chứ không có tình trạng “đầu voi đuôi chuột’.

Ý kiến về nhân lực của ĐB Hồng Tuấn, Long An rất tốt, thiếu bác sĩ chuyên khoa nhưng lại kêu gọi giảm biên chế, điều này có mâu thuẫn nhau không?. Chúng ta có những công chức viên chức theo ngạch nghề nghiệp, … chúng tôi muốn viên chức trở thành người lao động, hợp đồng lao động…

Thu hút bác sĩ, hiện đạt 8 bác sĩ/ 10.000 dân hơn một số nước trong khu vực, vấn đề là sử dụng hiệu quả các tuyến và chuyển giao công nghệ. Bộ Y tế chỉ có thể ban hành chính sách và nhiều địa phương vận dụng sáng tạo, có những tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam, Hà Giang thu hút bác sĩ giỏi rất tốt. Cần có các chính sách hỗ trợ bác sĩ như khởi điểm hỗ trợ bác sĩ về công tác 200 triệu, hỗ trợ căn hộ, tuyển biên chế ngay… Thang đào tạo ra trường sẽ là thêm một bậc là bậc 7.

Quan hệ giữa KCB – BHYT – người bệnh như một tam giác luôn co kéo

Ý kiến ĐB Nguyễn Duy Thường về Bộ Y tế có chính sách gì siết chi đi ngược lại người dân, ảnh hưởng chất lượng y tế, với tư lệnh ngành quan điểm thế nào?… Chúng ta cũng nằm trong quy luật chung của các nước khác, hiện nay quan hệ giữa KCB – BHYT – người bệnh như một tam giác luôn co kéo, BN muốn được hưởng quyền lợi cao nhất mà đóng thì thấp nhất, mệnh giá không muốn tăng. Quan điểm chúng tôi muốn thuốc tốt nhất, xét nghiệm tốt nhất, dùng máy hiện đại nhất và chữa tốt nhất và như vậy sẽ rất tốn. Hội đồng y khoa lúc nào cũng muốn đưa phác đồ tốt nhất. Về BHXH là cơ quan quản lý quỹ, họ giữ quỹ bảo đảm không phá quỹ, muốn giữ quỹ đó phải hạn chế  hoặc là bị lạm dụng trục lợi, lạm dụng kỹ thuật, siết chi hiện nay rất căng thẳng, vấn đề chi trả cho các BV rất nóng. BHXH có các giải pháp cân bằng thu chi mà vẫn đáp ứng KCB cho nhân dân.

Một số ĐB có ý kiến về quảng cáo TPCN, chúng tôi sẽ có văn bản trả lời riêng với ĐB.

Vấn đề nữa là ĐB Nguyễn Phi Thường nói về y tế cơ sở và một số ĐB nói về tăng giá dịch vụ y tế ảnh hưởng với người nghèo, cận nghèo, vùng sâu xa… chúng tôi cho rằng đó là điều ngược lại, người nghèo, cận nghèo, trẻ dưới 6 tuổi, người có công… nhà nước đã mua cho thẻ BHYT và không phải đồng chi trả nên nếu điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì họ chính là người được hưởng lợi. Thay vì Bảo hiểm chi trả 80% nay giá dịch vụ tăng thì chi trả gần hết, người dân không phải chi tiền túi, hưởng lợi nhiều nhất là người có thẻ BHYT.

Câu hỏi thông tuyến của các ĐB ở Thanh Hóa và Nghệ An, thì thông tuyến là một quy định của Luật BHYT và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận từ nơi đăng ký KCB ban đầu, tạo cạnh tranh lành mạnh y tế cơ sở huyện, xã nhưng cơ sở vật chất nhân lực của chúng ta chưa đáp ứng kịp, cho nên khi vừa thông tuyến thì tuyến huyện quá tải, tuyến xã dưới tải. Đây là sự thật, vì lên tuyến huyện họ nghĩ bác sĩ tốt hơn, danh mục được thanh toán BHYT nhiều hơn; hơn nữa địa bàn đi lại dễ dàng.

Chúng tôi đã họp và giải pháp cơ bản vẫn là tăng cường y tế cơ sở, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị thu hút và hộ trở thành ‘người gác cổng’ gần dân nhất theo mô hình y học gia đình. Các mô hình tốt như Sóc Sơn, HN; Thừa Thiên Huế; Khánh Hòa… bác sĩ họ thích làm ở tuyến xã theo mô hình y học gia đình thì bệnh nhân đến đông như BV huyện. Bởi lẽ chúng tôi làm thí điểm cấp thuốc tim mạch, huyết áp tuyến huyện vẫn cấp, có cán bộ trên huyện về thường xuyên để KCB, người dân thích vì gần dân, đi lại thuận tiện….

Tiếp tục phần tranh luận với Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

ĐB Thái Trường Giang, Cà Mau: Vấn đề khám chữa bệnh BHYT hiện nay có 2 vấn đề bức xúc ảnh hưởng đến chính sách tốt đẹp của Nhà nước ta như một số bệnh việnlạm dụng chẩn đoán điều trị khai khống hồ sơ, bệnh nhân trục lợi thanh toán BHXH . Ngược lại, BHXH không thanh toán hoặc xuất toán dù có đầy đủ hồ sơ, có 1 số trường hợp, BHXH không có nghiệp vụ chuyên môn bác sĩ nhưng can thiệp sâu vào hồ sơ thanh toán, ảnh hưởng đến công việc khám chữ bệnh. Bộ trưởng có giải pháp gì để chấn chỉnh hoạt động ở các cơ sở khám chữa bệnh để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Bộ trưởng có đề xuất hoặc phối hợp với BHXH thế nào để chấm dứt hiện tượng xin cho trong thanh toán BHYT.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấnĐại biểu Thái Trường Giang – Đoàn Đại biểu Quốc hội Cà Mau

ĐB Nguyễn Trường Giang, Đắc Nông: Trung tâm y tế tuyến huyện  trong 10 năm qua có 3 lần thay đổi, tạo sự biến động tổ chức, khả năng cung ứng dịch vụ. Xin hỏi trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? Liên thông  kết quả xét nghiệm các kết quả khác có liên thông được không. Theo báo cáo năm 2016, tình trạng ghép 3 người ở tuyến tỉnh là 4,4%, tuyến huyện là 7,3%. Tình trạng nằm ghép 3, 2 ở bệnh viện tuyến Trung ương còn không?

Đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn Đại biểu Đăk Nông

ĐB Ngàn Phương Loan, Lạng Sơn: Về vấn đề phát triển dược liệu, Chính phủ đã đề ra 5 nhóm giải pháp phát triển dược liệu trong đó có giải pháp ưu tiên sử dụng thuốc đông y, thuốc từ dược liệu sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế công lập trong đấu thầu từ nguồn ngân sách Nhà nước, kinh phí BHYT. Với vai trò của mình xin Bộ trưởng cho biết, tình hình và kết quả tổ chức thực hiện nhóm giải pháp này trong nhiệm vụ chung của ngành y? Mức thụ hưởng BHYT trung bình của người dân ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thấp trong khi chi phí với vùng  đồng bằng cao hơn? Giải pháp nào để có sự công bằng?
Chất vấn Quốc hội: Chấn chỉnh y tế tư nhân, có yếu tố nước ngoài

ĐB Phạm Minh Hiền, Phú Yên: Y tế tư nhân đối trọng với y tế công. Tỷ lệ vi phạm quy chế, lạm dụng kỹ thuật rất nhiều. Y tế tư nhân đóng vai trò thế nào, chính sách quản lý trong chiến lược phát triển y tế tư nhân? Định hướng chiến lược quy hoạch phát triển ngành y trong thời gian tới  tránh gây lãng phí? Tình trạng bệnh viện giữ bệnh nhân lại có có hay không?

ĐB Nguyễn Quang Tuấn, Hà Nội: Tôi xin tranh luận về vấn đề BHYT. Hiện nay diện bao phủ BHYT lên tới 82%, dịch vụ y tế được tăng lên,  tuy nhiên tôi xin đi sâu về vấn đề chi phí được bao phủ. Nếu bệnh nhân đi khám BHYT mất 100 đồng thì BHYT chi trả 29 đồng, bệnh nhân tự trả 43 đồng, 19 đồng do nhà nước trực tiếp chi trả, và 9 đồng từ các nguồn khác. Nếu BHYT trả 1 đồng, đồng chi trả của người dân 1,5 đồng, theo  Tổ chức y tế thế giới, nếu đồng chi trả của người dân trên 30% như vậy không đảm bảo công bằng trong tiếp cận dịch vụ y tế. Có xu hướng người giầu khám tuyến tỉnh, trung ương, người nghèo khám tuyến xã, phường, quận, huyện, đây  là sự bất cập và mất  công bằng. Nguyên nhân thì có nhiều: đầu tư chưa đủ, trang thiết bị yếu kém, đặc biệt là vấn đề chuyên môn. Như nghiên cứu của Viện Chiến lược CSYT về bệnh tăng huyết áp, có khoảng 15 triệu người bị tăng huyết áp, chẩn đoán đúng là 54%, kê đơn thuốc có thể gây hại cho bệnh nhân là 32%, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân ở tuyến y tế cơ sở. Vì vậy  70% bệnh nhân khám ở tuyến cơ sở BHYT chi trả 30 % tổng giá trị chi trả, trong khi 30% khám ở tuyến tỉnh, TW thì 70% BHYT chi trả cho tuyến tỉnh, TW. Như vậy phát triển y tế cơ sở giúp 3 tăng 3 giảm bao gồm tăng tiếp cận, tăng công bằng, tăng sức khỏe của người dân, tăng sự hài lòng, 3 cái giảm là giảm quá tải ở tuyến TW,  giảm chi phí cho BHYT, giảm tổng chi phí cho .

ĐB Ngô Thị Kim Yến, Đà Nẵng: Tôi có ý kiến với BHXH Việt Nam. Kiểm soát bội chi quỹ BHYT đã có quy định cụ thể, tuy nhiên tháng 5/ 2017, BHXH Việt Nam lại có công văn giao việc chi thanh toán BHYT cho các địa phương về việc giao kinh phí cho các địa phương chưa đúng thẩm quyền.  Đề nghị BHXH Việt Nam xem xét lại.

ĐB Phạm Khánh Phong Lan, TP Hồ Chí Minh: Tranh luận với ý kiến của Tổng GĐ BHXH Việt Nam, nhìn một cách toàn diện, mục tiêu của chúng ta là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh,  người dân chính là chủ của số tiền mà BHXH đang quản lý. Ở đây chỉ thấy tiêu cực trong lạm dụng và tiêu cực, mà vấn đề tiêu cực có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nhất là khi cơ chế quản lý còn lỏng leo, đa số hiện nay BHYT chưa liên thông được số liệu, người này không biết người kia làm gì. Chúng ta nên xem lại trách nhiệm chứ không nên đổ lỗi cho người dân và ngành y tế. Trước nguy cơ vỡ quỹ, chúng ta cần thấy nguyên nhân ở đâu, thu ít, muốn chi nhiều thì khả năng vỡ quỹ rất cao, cần xem lại, tăng cường nguồn bảo hiểm ra sao, đa dạng hóa mức thu bảo hiểm… , không nên chỉ siết chi. Bác sĩ  rất bức xúc vì bị siết chi bằng những cuộc điện thọai,  gửi email… tiềm ẩn những yếu tố tiêu cực không kém những người trục lợi quỹ BHYT. Bác sĩ trong bệnh viện khó khăn trong việc tập trung vào vấn đề chuyên môn lại cần phải cân nhắc xét nghiệm này, kỹ thuật kia có trong danh mục chi hay không, có bị xuất toán hay không, việc này rất khó. Trước mỗi bệnh nhân chúng tôi không thể từ chối khám chữa bệnh, tôi hy vọng sau đó chúng tôi không thể gánh chịu hậu quả. Ở đây cũng có vai trò của ngành y tế trong việc tổng hợp thông tin và đại diện cho ngành đấu tranh cho nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, nhất là ra những thông tư để tránh trường hợp bảo hiểm dựa vào những thông tư đó mà từ chối chi.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An:Tôi tiếp xúc cử tri là các bác sĩ trong và ngoài công lập họ rất bức xúc về chuyện ngành bảo hiểm cử các giám định viên không phải là bác sĩ, không có kiến thức về y khoa xuống giám định BHYT,  thích cắt ai là cắt, bác sĩ rất bức xúc, bệnh nhân thiệt thòi, chủ y tế ấm ức thực hiện vì nếu không dọa cắt BHYT. Bộ Y tế và BHXH cần ban hành công cụ chuẩn quốc gia, không thể tồn tại chế độ xin cho như trong thời gian vừa rồi. Về báo cáo Kiểm toán Nhà nước về mua trang thiết bị y tế sáng nay, có  những danh mục mua cao hơn giá từ 400% – 715%, xin Bộ trưởng cho tôi 1 bản giải trình khi Bộ Y tế không chấp nhận kết quả kiểm toán.

ĐB Bùi Sỹ Lợi, Thanh Hóa: Chính phủ quy định phải sớm có gói dịch vụ cơ bản chi trả từ quỹ BHYT. Chúng ta chưa có gói dịch vụ cơ bản, người dân nhất là vùng sâu vùng xa, khám tuyến xã khó khăn. Thứ 2 là Bộ Y tế cần có văn bản hướng dẫn tránh sự hiểu nhầm thắc mắc mâu thuẫn  giữa thanh toán bảo hiểm với cơ sở . Định mức khám 45 người/ phòng/ ngày ở các địa phương không thực hiện được, nguồn lực y tế không đáp ứng thông tuyến. Nếu nă, 2021 thông tuyến tỉnh rất khó khăn.  BHXH và ngành y tế ngồi lại với nhau xử lý có sự chồng chéo và chưa thống nhất dẫn đến vấn đề về thanh quyết toán có vướng mắc, hiện có tới 30 – 40 tỉnh bị BHXH khoanh nợ, không được thanh toán cho các bệnh viện.

ĐB Nguyễn Anh Trí, Hà Nội: Tôi xin có 1 số giải trình về tình trạng loạn giá. Hóa chất sinh phẩm, vật tư y tế, thuốc… có đặc thù, đa dạng, nhiều chủng loại, đổi mới rất nhanh, khác nhau về các nước sản xuất, tên gọi bởi vậy giá cả rất khác nhau. Việc chọn ra 1 loại hóa chất, vật tư trong số hàng nghìn loại để so sánh là không công bằng, việc này đã làm xôn xao dư luận. Cần có một đánh giá công bằng, phát ngôn đúng mức hơn để cán bộ y tế yên tâm làm việc. Tôi xin nói quan điểm về nền y tế giá rẻ. Hoạt động y tế hội tụ nhiều thứ, phụ thuộc vào năng lực trình độ, hóa chất, máy móc, trang thiết bị, hóa chất, thuốc men … Tại sao chỉ loạn giá hóa chất sinh phẩm, thuốc men còn các cái khác không loạn giá. Về thuốc, nếu 2 thuốc có chất lượng như nhau thì ưu tiên mua thuốc giá rẻ hơn. Nếu mua thuốc giá rẻ bất chấp chất lượng thì không nên, chúng ta ngăn chặn tham ô, tham nhũng  rất đúng nhưng cần mua sắm thiết bị, thuốc men nên mua với chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý, đừng hướng đến 1 nền y tế giá rẻ. Thông tuyến là chủ trương đúng để người bệnh gặp được thầy thuốc giỏi, mục tiêu này cao hơn việc bắt bệnh nhân phải điều trị ở y tế xã. Thông tuyến là chủ trương đúng…

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục đăng đàn trả lời chất vấnĐại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn Đại biểu Quốc hội Hà Nội

ĐB Sùng Thìn Cò, Hà Giang: Về phát triển cây dược liệu, thương nhân Trung Quốc đặt mua thu gom nhiều dược liệu của chúng ta, có loại đã tuyệt chủng, có loại có nguy cơ tuyệt chủng. Làm thế nào để bảo vệ dược liệu quý hiếm đang mọc tự nhiên trong rừng?

Video Bộ trưởng Bộ Y tế trả lời phiên chất vấn buổi chiều ngày 14/6/2017 ( phần 2)

Bộ trưởng Bộ Y tế nguyễn Thị Kim Tiến trả lời:

Với câu hỏi của ĐB Thái Trường Giang, Cà Mau hỏi làm sao để hạn chế được lạm dụng, cán bộ y tế ủng hộ không nên xiết chặt, cần phải chăm sóc bệnh nhân tốt hơn. Chúng tôi luôn  đứng về phía người bệnh, muốn người bệnh được hưởng các quyền lợi cao nhưng BHXH hạn chế. Đối với ngành y tế quán triệt trục lợi, lạm dụng sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật, thực hiện nghiêm phác đồ chẩn đoán, điều trị tránh lạm dụng xét nghiệm và thực tế vẫn còn hiện tượng này. Giải pháp của chúng tôi là thanh kiểm tra, xử lý hành chính. Thứ 2, chúng tôi đang cùng BHXH, chúng tôi sẽ nối  thông bằng hệ thống công nghệ thông tin giữa cơ sở khám bệnh với bộ phận giám định của BHXH. Thứ 3 là về cơ chế tài chính, hiện chúng ta dùng phương thức thanh toán cũ là theo phí dịch vụ, tiêu bao nhiêu trả bấy nhiêu, càng tiêu nhiều càng thanh toán nhiều, khiến người dân muốn đi khám nhiều, xét nghiệm nhiều để lấy thuốc, cán bộ muốn thanh toán nhiều để tăng mức chi. Phương thức thanh toán hiện đại là định xuất mà Bộ y tế đang nghiên cứu, khoán mổ 1 ca bệnh, không thể kéo dài thời gian nằm viện. Thứ 3 là theo nhóm ca bệnh, tức là liên quan đến triệu chứng, đây là phương pháp tiên tiến nhất. Nhật Bản đang kiểm soát phương thức chi trả giống chúng ta, nhưng công nghệ của họ rất phát triển, nên kiểm soát tốt, các nước giám định từng bệnh án nên không có trục lợi.

Về giảm tải bệnh viện, ĐB hỏi tuyến trung ương có nằm ghép nữa hay không. Nhờ đề án giảm tải và các biện pháp tổng thể quyết liệt, tỷ lệ chuyển tuyến giảm hẳn. Có 1 số bệnh viện còn nằm ghép như Bạch Mai, trong thành phố có BV Ung bướu, Nhi đồng, không phải tất cả, hiện tượng này xuất hiện ở một số khoa.  Sáng nay có câu hỏi  giữ bệnh nhân không chuyển để lấy tiền bảo hiểm chỉ là trường hợp cá biệt. Chúng tôi quy  định rõ ràng về quy chế chuyển viện.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trường Giang, chúng tôi nghĩ liên thông xét nghiệm là rất cố gắng, còn liên thông khác thì cần có kế hoạch sau vì liên thông cần hệ thống thông tin, trang thiết bị, con người để đáp ứng.

Phát triển dược liệu, chúng tôi cũng có chương trình hành động triển khai phát triển dược liệu, ưu tiên phát triển dược liệu.

Câu hỏi của ĐB Phạm Minh Hiền, Phú Yên: báo cáo Chính sách của Chính phủ ưu tiên phát triển tư nhân ngoài công lập. Bộ Y tế đặt chỉ tiêu số giường bệnh tư nhân chiếm 20%, tư nhân sẽ  tạo sự lựa chọn cho người bệnh, cạnh tranh công bằng, nâng cao chất lượng, giảm tải. Trong chấm điểm vừa qua của ngành y tế đưa ra các tiêu chí xếp hạng bệnh viện theo tiêu chuẩn quốc  tế, một là tự chấm điểm hai là đoàn kiểm tra chấm điểm, điểm cao nhất là bệnh viện tuyến TW, sau đó tuyến tỉnh, rồi huyện, tư nhân vẫn khó khăn nhất . Bệnh viện tư nhân khó khăn nhất về nguồn nhân lực thường lỗ, giải pháp của Bộ Y tế là bệnh viện vệ tinh, chúng tôi còn mở rộng ra một số bệnh viện tư như Vinmec, Thành Đô. Nếu bệnh viện tư có nhu cầu, làm đề án thì chúng tôi rất ủng hộ.

Định hướng chiến lược của ngành y tế để đầu tư. Chúng tôi đã trình Chính phủ quy hoạch tổng thể ngành y tế nhưng chưa được duyệt. Ngành y tế hay các địa phương đều căn cứ để xây dựng  quy hoạch riêng.  Trong đề án y tế xã cần quy hoạch đổi mới nhất, sẽ có quy hoạch để đầu tư không dàn trải về cơ sở vật chất, trang thiết bị theo mô hình bác sĩ gia đình. Các nước có 3 cấp, tuyến xã, tuyến giữa (bệnh viện huyện hạng 2-3 của ta hiện nay), và tuyến cuối là tuyến trung ương của ta. Bệnh nhẹ, đơn giản, ban đầu là tuyến xã, bệnh mạn tính ở tuyến giữa, tức là bệnh viện huyện, bệnh nặng đòi hỏi kỹ thuật cao lên tuyến trung ương.

Sau phần giải lao, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục trả lời tranh luận:

Đối với ĐB Tuấn (Hà Nội), Trí (Hà Nội), Ngô Kim Yến (Đà Nẵng), Phạm Khánh Phương Lan (TP Hồ Chí Minh), chúng tôi sẽ gửi tới BHXH Việt Nam.

Với ĐB Cầu chúng tôi sẽ có văn bản kiểm toán , nếu có sai sót sẽ xử lý nghiêm.

ĐB Bùi Sỹ Lợi, Thanh Hóa, trong những ngày tới chúng tôi sẽ ban hành thông tư về giá dịch vụ y tế cơ bản, văn bản hướng dẫn và giải quyết những vấn đề thanh quyết toán với địa phương, Bộ Y tế sẽ làm việc với BHXH vào thứ 6 ngày để thanh toán nốt.

Còn vấn đề dược liệu chúng tôi đã có đề án xây dựng vườn quốc gia về bảo tồn giống dược liệu quý hiếm.

Các ĐB tiếp tục chất vấn:

ĐB Nguyễn Thanh Hiền, Nghệ An: chất vấn về tự chủ BV tạo điều kiện nâng cao chất lượng KCB, nhưng là vấn đề mới, Bộ trưởng cần làm rõ hơn và lộ trình thực hiện thời gian tới như thế nào?

2/ BV tư nhân đáp ứng nhu cầu và giảm tải cho BV công. Bộ Y tế có chính sách gì khuyến khích BV tư nhân phát triển?

3/ Trong thực hiện KCB BHYT, có những giải pháp khắc phục thế nào?

Chất vấn Quốc hội: Chấn chỉnh y tế tư nhân, có yếu tố nước ngoàiĐại biểu Bùi Thanh Tùng, Đoàn Đại biểu Quốc hội Hải Phòng

ĐB Bùi Thanh Tùng, Hải Phòng: chất vấn về y tế cơ sở, tôi ấn tượng với ban hành nhiều Thông tư nhưng việc triển khai thông tư này đến đâu?…

ĐB Nguyễn Tạo, Lâm Đồng: chất vấn về hiện tượng quá tải của BV tuyến trung ương, tuyến cuối.

ĐB Hà Thị Lan, Bắc Giang: vấn đề kiểm soát, đấu giá dược liệu, Bộ trưởng đã đưa giải pháp và tôi rất đồng tình. Tôi muốn hỏi giải pháp của Bộ Y tế trong phát triển YHCT VN và thực hiện Nam dược trị Nam nhân?

ĐB Nguyễn Thanh Hải, Tiền Giang: Việc mua bán thuốc tại quầy thuốc rất tự do, mua bằng thuê bằng dược sĩ gây lo lắng cho người dân. Giải pháp khắc phục như thế nào?…

Chất vấn Quốc hội: Chấn chỉnh y tế tư nhân, có yếu tố nước ngoài

ĐB Nguyễn Lân Hiếu, An Giang: Trong thời gian vừa qua có rất nhiều tai biến y khoa liên quan đến các quy trình vận hành hệ thống máy móc, trang thiết bị y tế. Hiện nay Bộ Y tế đã có các quy trình chẩn đoán và điều trị tương đối rõ ràng, khoa học tuy nhiên các quy trình về bảo hành bảo trì, sửa chữa thiết bị y tế còn chưa chi tiết và chưa được các bệnh viện tuân thủ chặt chẽ, các quy định về năng lực, trách nhiệm của các công ty vật tư, trang thiết bị y tế cần được rà soát bổ xung. Xin Bộ trưởng cho ý kiến về vấn đề này.

ĐB Bố Thị Xuân Linh, Bình Thuận: chất vấn về chuyển giao kỹ thuật thông qua BV vệ tinh, giả pháp đào tạo nhân lực, nguồn lực, trang thiết bị y tế đảm bảo chuyển giao kỹ thuật thành công?

2/ Vấn đề y đức, ngành y tế đã có nhiều nỗ lực, y đức có sự chuyển biến rõ. Mong muốn có giải pháp quyết liệt hơn nữa để đáp ứng nhu cầu của người dân.

ĐB Nguyến Phước Lộc, TP.HCM: chất vấn về gói dịch vụ y tế, khuyến nghị Bộ trưởng chỉ đạo ban hành phác đồ điều trị chuẩn khắc phục khó khăn trong khám ở y tế cơ sở. Nội dung quan trọng y tế hiện nay là đảm bảo an toàn, tránh tai biến y khoa…

Chất vấn Quốc hội: Chấn chỉnh y tế tư nhân, có yếu tố nước ngoàiĐại biểu Nguyễn Hữu Cầu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Nghệ An

ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An: có giải pháp gì đột phá đến 2020 không còn quá tải BV?

ĐB Đặng Ngọc Nghĩa, Thừa Thiên Huế: chất vấn về người nước ngoài đến khám tại VN ít mà người VN ra nước ngoài khám nhiều, tốn kém chi phí.

2/ ĐB chất vấn về KCB cho người nghèo, người có công cần được miễn phí 100%

ĐB Đặng Xuân Phương, Đắc Lắc: chất vấn về tai biến y khoa, Bộ có cơ chế biện pháp gì tiếp theo trong giám sát phòng ngừa khắc phục tai biến y khoa.

ĐB Nguyễn Hữu Quang, Thanh Hóa: chất vấn về tình trạng xã hội hóa chưa hợp lý chưa rành mạch công tư. Bộ có giải pháp gì nâng cao chất lượng KCB….

Chất vấn Quốc hội: Chấn chỉnh y tế tư nhân, có yếu tố nước ngoài

ĐB Nguyễn Thanh Xuân, Cần Thơ: mô hình y tế gia đình hiệu quả trong KCB nếu được phát triển ở nước ta sẽ giảm áp lực tuyến trên nhưng ở cơ sở hiện đang có nhiều loại hình như trạm y tế… Cần có một mô hình thống nhất ở cơ sở không chồng chéo, giải quyết áp lực cho tuyến huyện.

ĐB Trần Ngọc Khánh, Khánh Hòa: Giải pháp của ngành y tế trong phòng bệnh cho người dân ở cơ sở.

ĐB Nguyễn Quốc Bình, Hà Nội: chất vấn về bệnh án điện tử, nguồn quan trọng hiệu chỉnh phác đồ điều trị, theo dõi sử dụng thuốc… xin cho biết định hướng, giải pháp có tiép tục triển khai rộng rãi không?

2/ Chât vấn về thẻ BHYT thông minh, Bộ có kế hoạch triển khai không và bao giờ triển khai?….

…….

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn:

Tôi xin trả lời theo từng nhóm vấn đề:

Về y tế cơ sở, với tuyến y tế cơ sở, thành thị sẽ phát triển thành phòng khám y học gia đình;  nông thôn duy trì trạm y tế xã và có đề án phát triển; với y tế huyện khi điều chỉnh bộ máy này chúng tôi nghĩ là càng không ảnh hưởng đến quá tải do thông tuyến.

Các ĐB hỏi tình trạng quá tải bao giờ chấm dứt và có cam kết không?, thì báo cáo Quốc hội, chúng tôi đã thực hiện đề án giảm tải BV do Chính phủ phê duyệt, đúng theo lộ trình đó đến năm 2020 sẽ cơ bản hết tình trạng quá tải.

Vấn đề công nghệ thông tin và bệnh án điện tử, thẻ thông minh, BV vệ tinh: Chúng tôi nhất trí với các ĐB, hiện đang triển khai, chúng tôi sẵn sàng chuyên môn, nhân lực, kinh phí để chuyển giao kỹ thuật giúp người dân hưởng kỹ thuật cao.

Về tai biến y khoa, đây là điều không mong muốn của tất cả chúng ta, là nỗi đau lòng của cả bệnh nhân và thầy thuốc. Bộ Y tế đã có đề án thành lập hội đồng an toàn bệnh nhân tại Cục Quản lý KCB và tại các BV, ban hành 5.000 quy trình KCB, ngay các quy trình trang thiết bị máy móc liên quan đến vấn đề KCB thực hiện nghiêm tránh sai sót xảy ra. Tai biến y khoa khó có thể khống chế được ngay cả các nước phát triển, sắp tới Bộ Y tế ban hành tiếp các Thông tư, Chỉ thị xử lý nghiêm theo hành lang pháp lý nếu có sai phạm.

Về xã hội hóa kết hợp công tư: Đây là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước để huy động mọi nguồn lực, đã có Nghị định 15 và 16, Bộ Y tế sắp ban hành Thông tư thực hiện kết hợp công tư. Đây là vấn đề mới, một số nơi đã thực hiện nhưng vẫn còn vướng mắc nhiều. Tuy nhiên, nguyên tắc của ngành y tế là không cổ phần hóa BV công lập và phải hạch toán rõ ràng công – tư đặc biệt là phân chia lợi nhuận, vấn đề sở hữu, cơ chế tài chính. Với ngành y tế chúng tôi phê duyệt rất chặt chẽ.

Cuối cùng là giá dịch vụ, tăng giá dịch vụ là đúng theo Nghị quyết Chính phủ, không ảnh hưởng đến người nghèo, người diện chính sách, người đã được Nhà nước mua thẻ BHYT… Chỉ có con đường thực hiện BHYT toàn dân mới đảm bảo công bằng, ngoài ra chúng tôi cũng đề nghị Chính phủ xem xét các mô hình bảo hiểm bổ sung, …

Còn một số vấn đề khác do thời gian hạn hẹp, chúng tôi sẽ gửi trả lời bằng văn bản đến các ĐB.

 

16h30: Tổng kết phiên chất vấn Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết phiên chất vấn diễn ra rất chất lượng, hiệu quả, hầu hết các đại biểu đã hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu ngành y tế cần đẩy nhanh khắc phục những tồn tại, hạn chế và tiếp tục phát huy những mặt đã làm được. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thay mặt cán bộ ngành y tế cam kết sẽ nỗ lực tối đa nhằm thực hiện và cải thiện hơn nữa các đề nghị của Quốc hội.

Hải Yến – Dương Hải

Nguồn: http://suckhoedoisong.vn/chat-van-quoc-hoi-chan-chinh-y-te-tu-nhan-co-yeu-to-nuoc-ngoai-n132857.html

(Visited 34 times, 1 visits today)

TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA BẠN ĐỌC

(Hãy đặt câu hỏi tại đây, đội ngũ y bác sĩ sẽ giải đáp giúp bạn)

Share.